Chủ Nhật, 23 tháng 4, 2017

Đừng chủ quan khi bị huyết áp thấp


Nhiều người nghĩ rằng chỉ có bệnh huyết áp cao mới đáng quan ngại và mới dẫn đến việc tai biến. Quan niệm này là sai lầm vì bệnh huyết áp thấp cũng có thể dẫn đến tai biến nếu chúng ta không theo dõi kịp thời.

Những người có hiện tượng mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt thường chủ quan, cho rằng do thay đổi thời tiết, do gặp lạnh, áp lực công việc, stress... Tuy nhiên, đây là những triệu chứng đặc trưng của bệnh huyết áp thấp mà một số người thường bỏ qua.

Huyết áp thấp là gì?

Với người bình thường, trị số huyết áp thường là 120/80mmHg (đây là trị số giữa huyết áp tâm thu/tâm trương). Nếu trị số huyết áp dưới 100/60mmHg được cho là mắc bệnh huyết áp thấp. Nếu một người khỏe mạnh bình thường đo huyết áp thấp thường không có triệu chứng gì và không cần điều trị bởi nó không phải là bệnh. Tuy nhiên, nếu được bác sĩ chuyên khoa xác định mắc bệnh huyết áp thấp, người bệnh cần được theo dõi và điều trị. Đối với những người già, người có bệnh mạn tính nếu đo huyết áp ở mức thấp nên được quan tâm điều trị, bởi điều này có thể gây nguy hiểm do máu không đến đủ tim, não hoặc các bộ phận khác trong cơ thể.


Nguy hiểm nhất trong bệnh huyết áp thấp là khi huyết áp giảm đột ngột, não bị thiếu một nguồn cung cấp máu sẽ dẫn đến chóng mặt, đầu óc lâng lâng. Khi thay đổi tư thế từ nằm hoặc ngồi sang đứng, huyết áp thay đổi, đây là một loại huyết áp thấp thường được biết đến là hạ huyết áp tư thế. Hay huyết áp thấp do trung gian, đó là khi một người phải đứng quá lâu dẫn đến hạ huyết áp. Theo ước tính, có khoảng 10-20% những người từ 65 tuổi trở lên bị bệnh huyết áp tư thế. Đó là do sự hư hại của hệ tim mạch, hệ thần kinh chịu trách nhiệm giúp cơ thể thích ứng với những sự thay đổi đột ngột.

Ngoài ra, huyết áp thấp thường xuất hiện khi người bệnh bị tiêu chảy, xuất huyết tiêu hóa, rong kinh, rối loạn tiền mãn kinh. Biểu hiện càng rõ ràng khi thay đổi tư thế đột ngột.

Những ai dễ bị huyết áp thấp?

Phụ nữ mang thai. Người mắc bệnh nội tiết như suy tuyến giáp, bệnh tiểu đường. Do thuốc, một số loại thuốc gây hạ huyết áp như thuốc trị bệnh cao huyết áp, trầm cảm hoặc bệnh Parkinson. Do rối loạn nhịp tim. Kiệt sức vì nóng hoặc đột quỵ do nắng nóng gây hạ huyết áp. Người mắc bệnh gan.

Hậu quả do huyết áp thấp

Huyết áp thấp cũng gây ra những hậu quả nghiêm trọng không kém gì tăng huyết áp. Thông thường, người dân thường chủ quan và chưa có hiểu biết đúng về căn bệnh huyết áp thấp. Nhiều người nghĩ rằng, những triệu chứng này là do ăn uống không tốt, thể trạng yếu... mà không coi đó là bệnh và chỉ cần nghỉ ngơi sẽ khỏi. Nguy hiểm nhất trong bệnh huyết áp thấp là liên quan đến tim mạch thì lại ít người biết đến như các bệnh nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực... Nếu bị tụt huyết áp nhiều lần sẽ làm cho các cơ quan trong cơ thể nhanh bị suy yếu, do chất dinh dưỡng và oxy không thể đến được các bộ phận đó gây tổn thương. Nặng nhất với các trường hợp tụt huyết áp có thể gây sốc, nhất là với những người khi đang làm công việc ở ngoài trời nắng, trên cao hoặc đang lái xe... sẽ nguy hiểm tới tính mạng.

Nếu người bệnh chủ quan, để tình trạng huyết áp thấp kéo dài thì có thể dẫn đến tai biến mạch máu não, tỷ lệ này chiếm khoảng 10-15%. Hiện nay, sự hiểu biết của bệnh nhân về huyết áp thấp còn rất ít. Các nghiên cứu cho thấy, hơn 70% bệnh nhân không biết mình bị huyết áp thấp, hơn 80% bệnh nhân bỏ qua những triệu chứng của bệnh.

Phòng ngừa thế nào?

Huyết áp thấp sẽ làm suy giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh nhưng không phải ai cũng nhận thức được vấn đề này để có những biện pháp dự phòng và điều trị dứt điểm. Người bệnh cần ăn nhiều bữa trong ngày (từ 4-5 bữa) với các loại thực phẩm giàu chất đạm như thịt, cá, tôm, cua, trứng, sữa giúp tăng huyết áp. Uống thêm cà phê, nước chè xanh đặc với bánh quy hay 1-2 miếng bánh mỳ với bơ hoặc pho mát cũng rất có lợi cho việc nâng huyết áp và sức khỏe. Hạn chế rượu, bia, đồ uống có cồn, mướp đắng, lòng trắng trứng gà, nước cam, khoai lang tím, tảo biển, ớt, quả kiwi… là những thực phẩm gây hạ huyết áp. Theo lời khuyên của bác sĩ, người bệnh không nên chủ quan, coi thường các dấu hiệu bất thường của sức khỏe để tránh những hậu quả đáng tiếc do huyết áp thấp gây ra. Ngay khi bị hoa mắt, chóng mặt, choáng váng..., bạn hãy đến các cơ sở y tế để kiểm tra kịp thời.

Lời khuyên của thầy thuốc.

Để phòng ngừa tai biến khi bị huyết áp thấp, người bệnh không nên thức khuya, giữ ấm khi ngủ, không ra ngoài trời nắng gắt, muốn thay đổi tư thế cần vận động từng bước một, không trèo cao, duy trì vận động nhẹ nhàng vừa phải như đi bộ, khi ngủ cần gối thấp. Đặc biệt, người từ 50 tuổi trở lên cần theo dõi huyết áp thường xuyên bởi họ rất dễ có nguy cơ chuyển từ huyết áp thấp thành tăng huyết áp.

Thứ Năm, 13 tháng 4, 2017

Răng xỉn màu vì 6 loại thực phẩm mà chúng ta hay dùng sau



Trà - Cà phê

Trong số các loại đồ ăn và thức uống hàng ngày, một trong nhóm những "kẻ thù hàng đầu" của răng là cà phê và trà. Hầu như ai cũng biết cà phê là thực phẩm đánh mất hàm răng trắng, làm xỉn màu răng do chứa nhiều caffein.
Bên cạnh đó, trà cũng chứa caffein, tuy giúp bạn tỉnh táo trí óc nhưng lại làm răng bị ố vàng. Nhất là trà khô và trà đen, chúng chứa nhiều hoạt chất gây xỉn màu răng nhanh hơn cả cà phê. Các loại trà tươi thì làm xói mòn lớp men răng từ từ, gây ra hiện tượng răng nhạy cảm và mòn răng.

Đồ uống có cồn
Rượu, bia hay các chất có cồn nói chung đều ảnh hưởng tiêu cực đến răng miệng, tùy vào tính chất của từng loại.
Rượu trắng chứa nhiều axit làm mềm men răng, khiến răng bị mòn, dễ mẻ và dễ bị sâu răng. Trong khi đó, rượu đỏ càng chứa nhiều axit cộng thêm sắc tố màu tối chromogens làm răng bị yếu và xỉn màu nhanh chóng.



Các loại đồ uống có lượng cồn cao, ví dụ như vodka, rum, whiskey tác động rất lớn đến men răng. Ngoài ra, chúng còn làm giảm sản sinh nước bọt, khiến miệng bạn khó khăn hơn trong việc tẩy rửa tự nhiên các vi khuẩn và acid. Ngoài tác động xấu đến răng, là nguyên nhân gây hôi miệng khó chịu.
Nếu so sánh tác hại đối với răng của các loại đồ uống có cồn, có thể nói bia là thức uống ít gây hại nhất cho răng vì chứa ít tinh bột, tính acid nhẹ và nhiều nước.

Nước ngọt
Các loại nước ngọt đều là tác nhân chính gây ố vàng răng. Nguyên nhân chủ yếu cũng là do nước ngọt chứa nhiều acid, phẩm màu và đường. Thêm vào đó, các chất điều vị hóa học trong các loại nước này cũng có ảnh hưởng không tốt đến lớp men răng.

Nước sốt


Nước sốt giúp món ăn thơm ngon và đậm đà hơn, đặc biệt trong các món sốt cà chua hay cà ri, nhưng cũng rất dễ bắt màu lên răng. Các loại sốt đậm màu kể trên rất dễ bám vào răng, làm răng dần trở nên xỉn, vàng, thậm chí có thể ngả sang vàng nâu. Bạn nên lưu ý loại thực phẩm đánh mất hàm răng trắng này nhé.

Kẹo
Ngoài tác hại đến men răng, khiến răng dễ bị sâu, một số loại kẹo màu sẫm cũng có thể làm cho răng của bạn bị ố vàng. Nếu lưỡi bạn bị đổi màu do ngậm kẹo, chắc chắn răng cũng cùng chung số phận.

Hoa quả sậm màu và chứa nhiều acid
Các loại hoa quả có màu sậm như hồng quân, dâu tằm, lựu, cherry... chứa nhiều vitamin tốt cho cơ thể nhưng lại "nhuộm màu" răng của bạn. Bạn sẽ dễ thấy màu sắc của các loại quả ấy lưu lại trên răng ngay sau khi ăn, chúng bám lại, sau đó ngấm dần vào lớp ngà răng khiến răng dần dần bị xỉn màu.
Các loại hoa quả nhạt màu hơn, ví dụ như nho, chanh, cam không ảnh hưởng đến màu răng, nhưng chứa nhiều acid, làm xói mòn lớp men răng, gây hiện tượng răng nhạy cảm.
Với những món ăn có lợi cho cơ thể nhưng lại khiến răng không đẹp, bạn có thể khắc phục nhược điểm này của chúng bằng cách vệ sinh răng sạch sẽ ngay sau khi ăn.


Thứ Bảy, 8 tháng 4, 2017

Có nên vừa ăn vừa uống nước?

Nhiều người cho ăn vừa ăn vừa uống giúp đồ ăn dễ tiêu, tuy nhiên đó là quan niệm sai lầm vì nó không hề tốt cho dạ dày chút nào
Uống ít nhất 8 ly nước mỗi ngày là rất cần thiết cho quá trình hydrate hóa của cơ thể. Trong trường hợp thời tiết nóng bức hoặc những người tập thể dục, chơi thể thao, họ còn cần uống nhiều nước hơn thế. Tuy nhiên, uống nước trong khi ăn có tốt cho sức khỏe hay không là câu hỏi nhiều người thắc mắc.
Theo Boldsky, bạn sẽ nhận được một lượng nước vừa đủ từ thức ăn để giúp ruột hoạt động hiệu quả. Vì vậy, nước đóng vai trò như một chất bôi trơn tự nhiên cho ruột, giúp đẩy chất thải ra ngoài cơ thể.
Uống một chút nước trong bữa ăn cũng không phải là điều xấu. Nó sẽ giúp bạn nuốt, hỗ trợ đường tiêu hóa và khiến bạn cảm thấy no nhanh hơn, vì vậy sẽ ăn ít hơn. Uống một ly nước ngay trước bữa ăn có thể kiềm chế cơn thèm ăn.
Tuy nhiên, uống nước trong bữa ăn cũng gây ra nhiều tác động xấu nhất định tới sức khỏe của con người. 

Làm loãng axit clohydric

Theo nhiều nghiên cứu, dạ dày chứa axit clohydric, hợp chất cần thiết để phá vỡ các thực phẩm mà chúng ta ăn. Khi bạn nuốt nước cùng với thức ăn, điều đó sẽ làm loãng lượng axit clohydric này, khiến quá trình tiêu hóa hoạt động sai.

Đầy hơi và khó tiêu

Uống nước làm thực phẩm tiêu hóa không đúng, vì vậy nó có thể dẫn đến kém hấp thu, gây đầy hơi và khó tiêu. Thậm chí, bạn có thể phải đối mặt với chứng táo bón.

Uống nước đúng cách

Theo các chuyên gia, bạn nên uống đủ lượng nước 30 phút trước bữa ăn và một tiếng sau khi ăn. Điều này cho phép các axit clohydric có đủ thời gian để tiêu hóa thức ăn đúng cách và ngăn chặn sự hình thành của khí, axit và đầy hơi. Ngoài ra, bạn có thể uống vài ngụm nước trong khi ăn, tốt nhất là nước ấm để giúp nuốt thức ăn dễ dàng hơn.